Advertisement 728x90

header ads

PHẦN MỀM ÂM THANH NÀO TỐT NHẤT? CÓ HAY KHÔNG?

Một vấn đề tôi đã chứng kiến rất nhiều lần những người tranh cãi về nó. Phần mềm nào tốt nhất. Có người khen kẻ chê, người tranh luận kẻ phản pháo. Những ý kiến mang tính kiêu ngạo chê bai, những bình luận mang tính trẻ trâu tôi đã thấy từ trước đến giờ. Nhưng đó là ý kiến của mỗi người không ai cấm, thế nhưng các bạn không nên dùng những lời lẽ hơi quá đáng để châm chọc nhau chỉ vì phần mềm. Trên thực tế nhiều kỹ sư âm thanh hàng đầu Thế Giới chẳng ai có xu hướng hay dùng chung một phần mềm nào, họ dùng phần mềm thích hợp với họ nhất mà thôi.
Tôi tin rằng phần mềm cũng chỉ là công cụ, thứ quan trọng ở đây chính là kiến thức và tay nghề của bạn. Nếu bạn có tay nghề thì phần mềm gì cũng chẳng còn quan trọng, bạn không có thì sử dụng phần mềm cũng như không mà thôi. "Kiều nữ sánh đại gia, Cave sánh xe thồ" chỉ cần bạn có khả năng thì bất cứ thứ gì nằm trong tay bạn cũng không thành vấn đề. Trên hết nếu bạn có trình độ thì dĩ nhiên tự bạn có thể phân biệt và so sánh được lợi hại ưu khuyết của mỗi phần mềm rồi đúc kết ra được kinh nghiệm, lựa chọn cho mình một phần mềm tối ưu và hiệu quả nhất.



Ý KIÊN RIÊNG CỦA TÔI NHƯ THẾ NÀO VỀ CÁC PHẦN MỀM ÂM NHẠC HIỆN NAY?

1. Avid Protool : Có lẽ bạn cũng biết nó là phần mềm có xu hướng được ưa chuộng rộng rãi nhất Thế Giới. Tôi thích hệ thống phím tắt của nó, giao diện thuần khiết, đơn giản dễ dùng và luôn mang lại chất lượng cao nhất phù hợp cho nhiều dòng nhạc khác nhau. Nhưng có lẽ tôi cảm thấy hơi ngu ngốc khi cứ bám vào Protools chỉ vì những người khác tôn thờ nó mà quên đi những thứ khác trong khi các phần mềm khác đang ngày càng được phát triển những công cụ mới, tính năng mới mà Protools thì dậm chân tại chỗ.

2. Image-Line FL Studio: WOW! Phần mềm được đông đảo giới trẻ phối khí ở Việt Nam hay dùng đây sao. Cá nhân tôi cũng rất thích dùng nó cho công việc phối khí vì phải nói quy trình làm việc của nó xứng đáng với câu Slogan: "The fastest way from your brain to your speaker" (Cách nhanh nhất đi từ não đến cặp loa của bạn). FL Studio có khả năng điều hướng tốt, tìm kiếm nhanh, làm việc hiệu quả với Sample và hầu như trỏ chuột khá thông minh cho phép tôi có thể làm mọi thứ chỉ bằng Click, kéo và thả. Đây là phần mềm không tồi có thể giúp cho tôi hình thành được ý tưởng bài hát nhanh nhất có thể, làm việc với âm thanh hiệu quả và nhanh gọn không hề phải đắn đo suy nghĩ. Cũng vì lí do đó mà nó cũng là thủ phạm tạo ra hàng loạt đội ngũ Producer "không chuyên không nhạc lí không văn nhưng võ mồm cao". Nói về khuyết điểm thì tôi lại không hề ưng ý với nó khi dùng cho thu âm, Mixing vì những thiết lập cầu kỳ, đường đi tín hiệu âm thanh lằng ngoằng khó kiểm soát, tạo Automation thì rất dễ dàng nhưng thao tác khá rườm rà. Dẫu sao nó cũng giúp tôi làm việc khá hiệu quả trong phối khí, nhưng có lẽ về thu âm và Mixing thì tôi sẽ nhường cho phần mềm khác đảm nhiệm.

3. Steinberg Cubase: Đây là phần mềm cũng không kém cạnh và cũng được sử dụng khá nhiều ở Việt Nam bởi các phòng thu lẫn các nhạc sĩ phối khí. Có thể nói Cubase sử dụng khá dễ dàng, nhẹ tài nguyên. Ngày càng được cải tiến nhiều tính năng mới mẻ mà tôi không thể từ chối. Hiện tại tôi vẫn sử dụng Cubase tại nơi làm việc. Tuy nhiên có vẻ như tôi không mấy ưng thuận cho lắm về chất lượng đầu ra của âm thanh, một từ để diễn tả thì nó khá "nhạt". Nó hợp với trữ tình, nhưng có lẽ không hợp với các dòng nhạc thị trường.

4. Cakewalk Sonar: Phần mềm tôi cũng sẽ khá yêu thích nếu như nó không gây hại tài nguyên máy của tôi. Sonar có trỏ chuột thông minh thuận tiện cho tôi khi thao tác Editing. Hệ thống Metter cực kỳ chính xác và với tôi thuật toán Dithering của nó nghe có vẻ tốt. Tôi còn thích cả FX Channel Strip lẫn các cửa sổ khác của Sonar mang lại sự chuyên nghiệp, dễ dàng thao tác mặt ngoài, cũng vì đó nó khá chật hẹp cho những ai dùng ít màn hình và độ phân giải nhỏ. Tính năng Autolign của Sonar đang khá mới mẻ và hấp dẫn mặc dù tôi cũng chưa được trải nghiệm tính năng mới này.

5. Properller Reason: Tôi chưa từng thử, và cũng chỉ thấy một ít người phối khí trên phần mềm này nhưng nếu nhìn sơ qua giao diện của nó. Tôi cảm thấy thích giao diện Playlist của nó, có lẽ nếu biên soạn nhạc trên Reason thì bạn sẽ được cung cấp thời gian nhanh nhất.

6. Apple Logic Pro: Tại sao không? Khá đơn giản, dễ tùy chỉnh và thao tác, cung cấp đủ tính năng cần thiết cho một dự án âm nhạc. Tôi ngả theo ý kiến mọi người khi tán dương về bộ nhạc cụ của nó. Nhưng có lẽ vì nó chưa được phát triển trên Window nên có thể sẽ khó cho việc công tác và mang Project/Session di chuyển nhiều, vì quá đơn giản nên chắc tôi hơi bị gò bó và mất tự do khi dùng nó.

7. Adobe Audition: Con đẻ của Cool Edit Pro. Mở bài hát, tạo Session, thiết lập và thu âm dễ dàng, chất âm nghe rất thực, thô mộc. Chắc vì thế mà Rapper Việt Nam thích sài và không thể bỏ [Cười]. Nhưng đừng vì thế mà nghĩ rằng nó không tốt, bản thân tôi thấy chất lượng của Adobe không hề kém cạnh so với những phần mềm khác. Nhưng nếu bạn định dùng nó để phối khí thì "Đừng bao giờ". Cá nhân tôi cũng đã từ bỏ Adobe từ khá lâu, nhưng nó là thứ tốt nhất, nhẹ nhàng nhất cho sự khởi đầu.

8. Harison Mixbuss: Đậm chất Analog, giao diện cơ bản và phô bày mọi thử bạn có thể nắm trong tầm tay. Nhẹ tài nguyên, mã nguồn mở. Không được phát triển rộng rãi nhưng cũng đừng nên coi nhẹ nó vì đó là phần mềm đứng sau bài hát Thriller đình đám của ông vua nhạc Pop Michael Jackson.

9. Presonus Studio One: "Home Studio thích điều này". Thât vậy, có thể ở Việt Nam nó không được ưa chuộng nhưng tôi thấy khá được nhiều Home Studio trên Thế Giới tin dùng trong đó có những bạn bè của tôi làm Studio bên các nước Châu Âu vì tính thân thiện và chất lượng không hề kém chút nào. Plugins xuất sắc và tìm rất nhanh. Studio One cũng vẫn đang là đối thủ nặng ký với các phần mềm anh em. Nhưng về tính cá nhân, tôi không lựa chọn dùng nó vì độ ngốn tài nguyên máy.

10. Ableton Live: Trình soạn nhạc khá tốt và phổ biến với các Beat Maker nhất là thuộc thể loại EDM. Bộ thư viện phong phú, giao diện gọn nhẹ và thoáng, cung cấp Plugins sẵn sàng trước mắt bạn bất cứ lúc nào bạn cần. Vì tôi không thiêng về những dòng điện tử nên không ham đến phần mềm này.

11. Coscock Reaper: Tôi nghĩ nó cũng không khác Harison MixBuss là mấy.

Trên là một số ý kiến của tôi về một vài phần mềm đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Đó là ý kiến cá nhân và trải nghiệm riêng. Bạn có thể lấy nó làm tham khảo để thử dùng và lựa chọn cho mình phần mềm thích hợp với đặc thù công việc nhất có thể.
Không có phần mềm nào tốt nhất nếu bạn không biết nắm bắt. Không hiểu được phần mềm trong tay mình, không kiểm soát được nó. Bạn không làm chủ công việc, không thể tạo ra tuyệt tác.
Hãy bắt đầu từ bây giờ, tìm cho mình người bạn đồng hành đắc lực nhất để phát huy hiệu quả trong công việc và đam mê của mình.

Tác giả: Long Keenyo - Thế Giới Mix

Post a Comment

0 Comments